Báo Dân Trí đăng tải câu chuyện của hai cậu bé Y Khang B’Krông (12 tuổi) và Y Tuân B’Krông (9 tuổi) ở xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông có hoàn cảnh vô cùng đáng thương. Y Khang và Y Tuân là hai anh em ruột, mẹ vừa mất vì căn bệnh hiểm nghèo quái ác, bố không tỉnh táo, suốt ngày bỏ nhà ra đi. Thỉnh thoảng tỉnh táo, bố của hai anh em mới tìm về nhà, lúc ấy cũng phải 1-2 giờ sáng.
Y Khang, Y Tuân mong ước mua được chiếc bàn để di ảnh cho mẹ. (Ảnh: Dân Trí)
Trước kia, khi mẹ vẫn còn, ngày ngày Y Khang đi nhặt ve chai, hoặc mót cà phê còn em trai Y Tuân ở nhà chăm sóc mẹ. Bữa đói, bữa no nhưng tuyệt nhiên nhiều năm qua, hai đứa trẻ chưa từng nghĩ đến chuyện đến trường bởi vì “không ai cho đi học”. Y Khang tâm sự với báo Dân Trí: “Mẹ mất vì bệnh hiểm nghèo, trước ngày mất, bụng mẹ phình to như cái trống và không đi lại được. Ngày mẹ đi, bố không có nhà. 10 giờ trưa, em đang đi nhặt ve chai thì em trai gọi về, bảo mẹ mất rồi!”.
Đám tang của mẹ Y Khang và Y Tuân được họ hàng, người dân trong buôn và chính quyền xã Tâm Thắng chung tay hỗ trợ. Sau ngày đó, Y Khang và Y Tuân vẫn sống trong căn nhà cũ. Gạo, muối và đồ ăn hàng ngày cũng được mọi người ủng hộ, giúp đỡ. Vẫn bữa đói, bữa no nhưng cả 2 anh em không phải đi nhặt ve chai, phế liệu mà được mọi người góp sức đưa đến trường để học chữ.
Hai anh em được mọi người giúp đỡ đưa đến trường học. (Ảnh: Dân Trí)
Cô Mai Thị Ngọc Hiền, giáo viên trường Tiểu học Hà Huy Tập nói về hai học sinh đặc biệt trong trường: “Khang và Tuân vào học lớp 1 khi đã bước sang học kỳ II, chính vì thế thầy cô giáo cũng dành riêng thời gian để bổ túc kiến thức cho các em. Tuy nhiên, vì vào học muộn, lại hạn chế trong giao tiếp nên đến nay các em vẫn chưa thể sử dụng tốt tiếng Việt. Năm học đầu tiên, các em chủ yếu làm quen với môi trường lớp học, sang năm cả 2 em sẽ học lại lớp 1″.
Y Tuân cao lớn hơn các bạn cùng lớp vì đi học muộn. (Ảnh: Dân Trí)
Hai anh em được các thầy cô giáo quan tâm, chỉ dạy. (Ảnh: Dân Trí)
Sau giờ học ở trường, hai anh em Y Khang và Y Tuân trở về nhà với 2 chiếc xe đạp cũ của người dân trong buôn tặng. Đây cũng là tài sản giá trị nhất của 2 đứa trẻ mồ côi đến thời điểm hiện tại. Bên trong căn nhà rộng chừng 12m2 được xây tặng nhiều năm trước, cũng chẳng có đồ đạc nào giá trị, chỉ có bức di ảnh của mẹ Y Khang được đặt ngay ngắn ở một góc nhà, trên nền đất lạnh lẽo.
Ước mơ lớn nhất của hai anh em lúc này là có một chiếc bàn để đặt ảnh mẹ. Thế nhưng đó là việc vượt ngoài sức lực đối với những cậu bé này khi mà bữa cơm của các em cũng chỉ có cà đắng, cá khô được họ hàng mang qua cho mỗi ngày thì lấy đâu ra tiền để mua bàn cho mẹ.
Chiếc xe đạp là tài sản quý giá với cả hai. (Ảnh: Dân Trí)
Nói về cuộc sống hiện tại, Y Khang nghẹn ngào tâm sự với báo Dân Trí: “Những ngày đầu cũng buồn vì không có mẹ. Bây giờ được đi học, được gặp nhiều bạn bè nên không buồn nhiều nữa. Được họ hàng và thầy cô giáo hỗ trợ gạo và thức ăn, sau mỗi buổi học, hai anh em tự về nhà nấu cơm ăn. Hai anh em không còn mẹ nên chỉ mong bố về sống cùng chúng em”.
Bữa cơm hàng ngày của hai anh em chỉ có cà đắng, cá khô. (Ảnh: Dân Trí)
Mỗi đứa trẻ khi sinh ra đều có quyền được sống và trưởng thành trong vòng tay yêu thương của bố mẹ. Thế nhưng điều đó giờ đây lại là một thứ xa vời đối với những cậu bé như Y Khang và Y Tuân, đó cũng là một điều xa xỉ với cậu bé mồ côi tên Quyền (13 tuổi, sống tại huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá). Trong lúc bạn bè đồng trang lứa sống được gia đình bảo bọc, chăm lo, em lại phải tự mình học cách trưởng thành, tự ăn, tự mặc, tự ngủ.
Cậu bé nghèo mồ côi cả bố lẫn mẹ. (Ảnh: Clip N.L)
Bố Quyền đã mất từ năm 2016, còn mẹ em cũng mới khuất núi vì căn bệnh hiểm nghèo. Cậu bé giờ đây bơ vơ, một mình lủi thủi trong căn nhà nhỏ. Ngoài giờ đến lớp, em tự mình đảm đương hết tất cả mọi việc ở nhà, cố gắng vượt qua nỗi buồn, không để mình trở thành gánh nặng cho bất cứ ai.
Tất cả mọi việc trong gia đình đều do em tự mình gánh vác. (Ảnh: Clip N.L)
Trong cuộc sống này vẫn còn đâu đó nhiều những hoàn cảnh khó khăn. Hy vọng các em sẽ tiếp tục cố gắng, nỗ lực để có một tương lai tươi đẹp hơn.